Xuất khẩu điều sang Italia:  'Lỗ hổng' trong thương mại quốc tế?

  • 16/03/2022 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Trong khi vụ container của doanh nghiệp điều Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Italia vẫn chưa có kết luận, các chuyên gia cho rằng có 'lỗ hổng' trong phương thức thanh toán thương mại quốc tế.

 

“Lỗ hổng” trong thương mại quốc tế?

Vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã tổ chức họp báo khẩn thông tin về việc các container hạt điều xuất khẩu sang Italia bị thất lạc chứng từ. Tại buổi họp báo, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Vinacas cho biết, thông qua môi giới của Công ty TNHH MTV Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu đi Italy 100 container hạt điều, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 100 container ký xuất, tới thời điểm này, các doanh nghiệp và ngân hàng mất quyền kiểm soát 36 container hạt điều, trị giá hơn 7 triệu USD, tương đương hơn 160 tỷ đồng.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện có nhiều phương thức thanh toán quốc tế như điện chuyển tiền (T/T), trả tiền nhận chứng từ (D/P), thư tín dụng (L/C). Ngoài ra, còn có phương thức khác cũng tương tự như phương thức D/P là phương thức CAD. L/C là phương thức thanh toán đảm bảo nhất cho người bán, nhưng lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản. L/C chỉ chiếm khoảng 5% tỷ lệ thanh toán trên thực tế đối với hàng nông sản. Tuy không an toàn bằng L/C nhưng hiện nay phương thức D/P được sử dụng phổ biến nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo:

Giao Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Theo chia sẻ của một doanh nhân là người trong cuộc đang có container bị mắc ở Italia, hàng nông sản giá trị thấp, mỗi lô hàng có trị giá vài trăm nghìn USD. Người mua thì không mua nhiều một lúc, mà họ mua gối đầu, từng lô nhỏ. Nếu lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng có khi đến vài chục L/C. Mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng, không 100% thì cũng phải một tỷ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Không người mua nào muốn như thế cả. Nếu mình cứ khăng khăng đòi L/C thì họ sẽ đi tìm người bán khác. Đó là chưa kể thời gian để nhận được L/C của ngân hàng người mua cũng khá dài, ít nhất phải một tuần mà giá thị trường thì biến động từng ngày. Trong khi phải nhận được L/C thì người bán mới có thể giao hàng. Vì thế doanh nghiệp sử dụng T/T, D/P và CAD dù biết là rủi ro hơn.

Trong khi vụ các container của doanh nghiệp điều Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Italia vẫn chưa có kết luận, nhiều chuyên gia khẳng định đây là “lỗ hổng” trong phương thức thanh toán quốc tế.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng: “Bản chất của T/T, D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán. Nếu đúng đây là một vụ lừa đảo, thì hành vi lừa đảo này có thể diễn ra với bất kể hình thức thanh toán nào, chứ không phải chỉ với D/P hay CAD? Đây là một “lỗ hổng” trong thương mại quốc tế mà sau vụ này chúng ta phải tìm cách khắc phục”.

Bộ Công Thương vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp

Liên quan đến vụ các container hạt điều xuất khẩu sang Italia có dấu hiệu bị lừa đảo, Bộ Công Thương đã nhanh chóng hỗ trợ, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất.

Chế biến điều. (Ảnh:TTXVN)

Ngay khi nắm bắt thông tin về vụ việc, Bộ đã chỉ đạo Tham tán Thương mại tại Italia trực tiếp đến các cảng Genova, Napoli là những nơi mà các lô hàng được đưa đến, làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu, ngân hàng và chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ vụ việc.

Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italia cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận luật sư tại Italia để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát các lô hàng.

Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã liên hệ với công ty môi giới các hợp đồng mua bán hạt điều nói trên, đề nghị cung cấp thông tin và tích cực hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để xử lý, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương đã có công hàm gửi Đại sứ quán Italia tại Việt Nam, cử cán bộ đến làm việc với Đại sứ quán, đề nghị Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan của Việt Nam để giải quyết vụ việc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Italia đề nghị các Bộ trưởng của Italia quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia nhằm nhanh chóng giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hình ảnh và uy tín của các doanh nghiệp Italia.

Hiện nay vẫn chưa có kết luận về bản chất của vụ việc, tuy nhiên qua vụ việc này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.

Khi thị trường là của người mua thì họ sẽ đưa ra phương thức thanh toán tiện nhất cho họ. Nếu thị trường thuộc về người bán thì người bán mới có thể áp đặt được phương thức có lợi cho mình. Vì thế DN cần kiểm tra người mua kỹ hơn, qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Và giành quyền thuê tàu, vì khi thuê tàu thì ta sẽ chủ động hơn trong việc nắm lịch trình, và có vấn đề gì ta làm việc với hãng tàu cũng dễ hơn vì ta là người trả tiền cho họ.

Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường, ... Các doanh nghiệp cũng lưu ý  biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa cần lưu ý những vấn đề đảm bảo lợi ích của mình như: Trước khi làm, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu về DN nước ngoài xem có dấu hiệu lừa đảo, có hiện tượng làm ăn phi pháp không, rồi mới tiến hành giao dịch.

Đối với khâu thanh toán, DN lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho DN. Đối với thanh toán D/P, DN Việt Nam cần đưa ra các mức % đặt cọc để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng (tốt nhất là 50% trở lên). Không nên sử dụng hình thức thanh toán nhờ thu chấp nhận chứng từ hay chuyển tiền bằng Western Union cho việc thanh toán.

Trước khi thực hiện giao dịch nên dùng email chính thức thay vì sử dụng các dịch vụ miễn phí từ gmail, yahoo... để tránh bị giả mạo; đồng thời, cần chủ động yêu cầu đối tác sử dụng email chính thức trong trường hợp đối tác cung cấp email từ các dịch vụ miễn phí kể trên.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận